Trung Quốc Phi_tần

Hạ - Thương - Chu

Trước thời nhà Hạ, chúa tể cai trị thiên hạ gọi là Thiên tử (天子), thuở sinh thời xưng là Hậu (后), khi mất thì triều thần mới tôn thụy là Đế (帝), vợ chính của Thiên tử gọi là Phi (妃). Từ triều nhà Thương, Thiên tử xưng Vương (王), vợ chính gọi là Hậu.

Lễ ký - Hôn nghi ghi lại chế độ nội cung nhà Chu: "Noi gương cổ nhân dưới Hậu, Thiên tử lập sáu cung, lấy ba Phu nhân, chín Tần, hai mươi bảy Thế phụ, tám mươi mốt Ngự thê."

  • Hậu (后), giữ ngôi chủ quỹ nơi cung cấm, người bạn đời cùng đế vương thành đôi giai ngẫu.
  • Phu nhân (夫人), 3 người, xứng trang nghi phạm về ý tiết thuần mỹ.
  • Tần (嬪), 9 người, giáo hóa bốn mỹ đức là công, dung, ngôn, hạnh.
  • Thế phụ (世婦), 27 người, coi việc lễ tiết.
  • Ngự thê (御妻), trong Chu lễ chép là Nữ ngự (女御), 81 người, hầu thú thanh sắc, yến tẩm của quân vương.

Đây là những ghi chép bằng văn tự sớm nhất trong lịch sử phong kiến về chế độ nội cung.

Hán

Tây Hán

Hán thư - Ngoại thích truyện ghi lại, chế độ nội cung nhà Tây Hán ban đầu xếp đặt thứ bậc theo cách gọi của nhà Tần, mẹ Hoàng đế gọi là Hoàng thái hậu (皇太后), bà nội gọi là Thái hoàng thái hậu (太皇太后), vợ chính gọi là Hoàng hậu (皇后), nàng hầu có các bậc Phu nhân, lại gọi là Mỹ nhân, Lương nhân, Bát tử, Thất tử, Trưởng sửThiếu sử, đều là các bậc có từ thời nhà Tần.

Sang thời Vũ Đế mới đặt thêm danh vị Tiệp dư cùng Nghinh nga, Dung hoa, Sung y. Thời Nguyên Đế, lại thêm bậc Chiêu nghi đứng trên tất cả. Lúc này, hậu cung triều Hán đã có gồm 19 chức danh, chia thành 14 bậc:

  • Chiêu nghi (昭儀), bậc sánh Thừa tướng (丞相), lộc ngang tước Vương của chư hầu (诸侯王).
  • Tiệp dư (婕妤), bậc sánh Thượng khanh (上卿), lộc ngang Liệt hầu (列侯).
  • Nghinh nga (娙娥), lộc ngang Quan nội hầu (關內侯).
  • Dung hoa (傛華), bậc sánh Đại thượng tạo (大上造).
  • Mỹ nhân (美人), bậc sánh Thiếu thượng tạo (少上造).
  • Bát tử (八子), bậc sánh Trung canh (中更).
  • Sung y (充依), bậc sánh Tả canh (左更).
  • Thất tử (七子), bậc sánh Hữu thứ trưởng (右庶长).
  • Lương nhân (良人), bậc sánh Tả thứ trưởng (左庶长).
  • Trưởng sử (長使), bậc sánh Ngũ đại phu (五大夫).
  • Thiếu sử (少使), bậc sánh Công thừa (公乘).
  • Ngũ quan (五官).
  • Thuận thường (順常).
  • Vũ quyên (舞涓), Cộng hòa (共和), Ngu linh (娛靈), Bảo lâm (保林), Lương sử (良使), Dạ giả (夜者), gọi chung là Cung nhân (宮人).

Vợ chính của Hoàng thái tử nhà Tây Hán gọi là Hoàng thái tử phi (皇太子妃), nàng hầu có các bậc Lương đệ (良娣), Nhụ tử (孺子).

Đông Hán

Quang Vũ Đế định lại thứ bậc nội cung, dưới Hoàng hậu đặt chức Quý nhân (貴人), Mỹ nhân (美人), Cung nhân (宮人), Thái nữ (采女) phân chia giúp việc nội trị. Hoàn Đế, Linh Đế hoang dâm, từ phi tần đến kẻ hầu người hạ tới hai vạn người. Chiếu theo lệ xưa, hàng năm đều tuyển người đẹp nhập cung, gọi là giản trạch hay thái tuyển.

Hán nghi chú ghi lại: "Vào tháng 8 âm lịch hằng năm, triều đình cử lễ quan tinh thông tướng số tới các miền quê quanh kinh đô Lạc Dương tuyển chọn người đẹp đang độ xuân thì, tuổi từ 13 tới 20, nét mày thanh tú, cử chỉ đoan trang, tướng mạo cát lợi."

Tào Ngụy

Tào Tháo khi còn là Ngụy vương, dưới Vương hậu định ra:

  • Phu nhân (夫人).
  • Chiêu nghi (昭儀).
  • Tiệp dư (婕妤).
  • Dung hoa (容華).
  • Mỹ nhân (美人).

Đông Hán mất nước, Văn Đế bức Hán Hiến Đế nhường ngôi. Chế độ nội cung phân chia thứ bậc có mang theo quy định từ thời còn là Ngụy vương, đến thời Minh Đế mới hoàn thiện, tổng 14 bậc:

  • Phu nhân (夫人), vị dưới Hoàng hậu, không rõ đãi ngộ.
  • Quý tần (貴嬪), vị dưới Phu nhân, không rõ đãi ngộ.
  • Thục phi (淑妃), bậc sánh Tướng quốc (相國), lộc ngang tước Chư hầu Vương (诸侯王).
  • Thục viên (淑媛), bậc sánh Ngự sử đại phu (御史大夫), lộc ngang Huyện công (縣公).
  • Chiêu nghi (昭儀), lộc ngang Huyện hầu (縣侯).
  • Chiêu hoa (昭華), lộc ngang Hương hầu (鄉侯).
  • Tu dung (修容), lộc ngang Đình hầu (亭侯).
  • Tu nghi (修儀), lộc ngang Quan nội hầu (關內侯).
  • Tiệp dư (婕妤), đãi 2.000 thạch.
  • Dung hoa (容華), đãi 2.000 thạch.
  • Mỹ nhân (美人), đãi 2.000 thạch.
  • Lương nhân (良人), đãi 1.000 thạch.
  • Ta nhân (鹾人).

Ngoài những đẳng vị trên, nhà Ngụy thỉnh thoảng còn thấy nhắc đến Quý nhân, Tài nhân nhưng địa vị không rõ.

Tấn

Tấn Vũ Đế tham khảo chế độ Tào Ngụy, thiết lập hậu cung. Dưới Hoàng hậu có:

  • Tam phu nhân (三夫人): Quý tần (貴嬪), Phu nhân (夫人), Quý nhân (貴人), vị ngang Tam công (三公).
  • Cửu tần (九嬪): Thục phi (淑妃), Thục viên (淑媛), Thục nghi (淑儀), Tu hoa (修華), Tu dung (修容), Tu nghi (修儀), Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Sung hoa (充華); vị ngang Cửu khanh (九卿).

Dưới Cửu tần còn thiết Mỹ nhân (美人), Tài nhân (才人), Trung tài nhân (中才人), vị dưới 1.000 thạch.

Nam Bắc triều

Bắc Ngụy

Đao Vũ Đế thiết lập hậu cung rất đơn giản, dưới Hoàng hậu chỉ có Phu nhân, dù vậy giữa các phu nhân cũng thiết lập các thứ bậc trên dưới về đãi ngộ. Do tình trạng "Tử quý mẫu tử" (子贵母死), bắt buộc ban chết người sẽ sinh ra Trữ quân, nên hậu cung Bắc Ngụy lại có một danh hiệu đặc thù [Bảo Thái hậu; 保太后], dành để phong cho các bảo mẫu - người nuôi dạy các Hoàng đế tương lai khi mẹ ruột không còn.

Thái Vũ Đế lên ngôi, thiết lập hậu cung rõ ràng hơn:

  • Tả Chiêu nghi (左昭儀) và Hữu Chiêu nghi (右昭儀).
  • Quý nhân (貴人).
  • Tiêu phòng (椒房).
  • Trung thức (中式).

Hiếu Văn Đế xem trọng Hán hóa, cải cách hậu cung, vị thứ ngang với quan viên:

  • Tả Chiêu nghi (左昭儀) và Hữu Chiêu nghi (右昭儀), vị ngang Đại tư mã (大司馬).
  • Tam phu nhân (三夫人), vị ngang Tam công (三公).
  • Tam tần (三嬪), vị ngang Tam khanh (三卿).
  • Lục tần (六嬪), vị ngang Lục khanh (六卿).
  • Thế phụ (世婦), vị ngang Trung đại phu (中大夫).
  • Ngự nữ (御女), vị ngang Nguyên sĩ (元士).

Bắc Tề

Chế độ nội cung hoàn thiện dưới thời Vũ Thành Đế với hệ thống tước hiệu phức tạp bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến. Thời kỳ này cũng là lần đầy tiên định hạng giai phẩm của quan viên cho phi tần, khác với các triều đại trước chỉ dừng ở mức so ngang vế với các bậc quan viên:

  • Thục phi (淑妃), thứ bậc sánh cùng Tướng quốc.
  • Tả Nga anh (左娥英), Hữu Nga anh (右娥英), thứ bậc sánh cùng Thừa tướng.
  • Tả Chiêu nghi (左昭儀), Hữu Chiêu nghi (右昭儀), thứ bậc sánh cùng Đại phu.
  • Phu nhân (夫人), 3 người: Hoằng đức (弘德), Chính đức (正德), Sùng đức (崇德), thứ bậc sánh cùng Tam công.
  • Tần (嬪), 9 người:
    • Quang du (光猷), Chiêu huấn (昭訓), Long huy (隆徽), thứ bậc sánh cùng Tam khanh.
    • Tuyên huy (宣徽), Ngưng huy (凝暉), Tuyên minh (宣明), Thuận hoa (順華), Ngưng hoa (凝華), Quang huấn (光訓), thứ bậc sánh cùng Lục khanh.
  • Thế phụ (世婦), 27 người: Quảng huấn (廣訓), Tu huấn (修訓), Tĩnh huấn (靜訓), Kính huấn (敬訓), Kính uyển (敬婉), Kính tín (敬信), Chiêu ninh (昭寧), Chiêu hoa (昭華), Uyển hoa (婉華), Phương hoa (芳華), Phương du (芳猷), Chính hoa (正華), Quang chính (光正), Mậu quang (茂光), Minh phạm (明範), Minh tín (明信), Minh thục (明淑), Hoằng du (弘猷), Hoằng huy (弘徽), Lệnh tắc (令則), Huy tắc (暉則), Huy phạm (暉範), Trinh phạm (貞範), Diễm nghi (艷儀), Diệu nghi (曜儀), Diệu đức (曜德), Hòa đức (和德), hàm Tòng tam phẩm.
  • Ngự nữ (御女), 81 người: Mậu đức (茂德), Kính mậu (敬茂), Mậu phạm (茂範), Diệu phạm (妙範), Tu phạm (修範), Anh phạm (英範), Huy chương (暉章), Quỳnh chương (瓊章), Dao chương (瑤章), Lương viên (良媛), Lương tín (良信), Chính tín (正信), Nhu hoa (柔華), Tư nhu (思柔), Lệnh nghi (令儀), Tú nghi (秀儀), Thận nghi (慎儀), Diệu nghi (妙儀), Uyển nghi (婉儀), Tu tĩnh (修靜), Mậu nghi (茂儀), Nhuận nghi (潤儀), Lệ nghi (麗儀), Hoằng nghi (弘儀), Túc nghi (肅儀), Mục nghi (穆儀), Mục khuê (穆閨), Mục hoa (穆華), Minh ý (明懿), Sùng minh (崇明), Minh huấn (明訓), Minh diễm (明艷), Kính thuận (敬順), Sùng kính (崇敬), Tu kính (修敬), Kính ninh (敬寧), Chiêu thuận (昭順), Chiêu dung (昭容), Chiêu thận (昭慎), Mục quang (穆光), Diệu quang (曜光), Quang phạm (光範), Nội phạm (內範), Diễm quang (艷光), Viên quang (媛光), Bành viên (彭媛), Túc dung (肅容), Tĩnh túc (靜肅), Túc khuê (肅閨), Hoài thuận (懷順), Hoài đức (懷德), Trinh ý (貞懿), Trinh ngưng (貞凝), Trinh mục (貞穆), Trinh viên (貞媛), Trinh thận (貞慎), Hoằng thận (弘慎), Huy thục (徽淑), Huy nga (徽娥), Hoằng diễm (弘艷), Diễm hoa (艷華), Uyển đức (婉德), Minh uyển (明婉), Diễm uyển (艷婉), Phương uyển (芳婉), Ngưng uyển (凝婉), Tu viên (修媛), Tu lễ (修禮), Anh thục (英淑), Thục ý (淑懿), Thục y (淑猗), Thừa nhàn (承閒), Tu nhàn (修閒), Nhàn hoa (閒華), Lệ tắc (麗則), Nhu tắc (柔則), Lương tắc (良則), Diệu tắc (妙則), Huấn thành (訓成), Ninh huấn (寧訓), hàm Chính tứ phẩm.
  • Tài nhân (才人), Thái nữ (采女), không hạn định.

Bắc Chu

Phẩm cấp các phi tần trong nội đình:

  • Phu nhân (夫人): gồm Quý phi (貴妃); Trưởng Quý phi (長貴妃), Đức phi (德妃).
  • Dặc (㚤), 3 người, vị ngang Tam cô (三孤).
  • Tần (嬪), 6 người, trong số đó có gọi Chiêu Hóa tần (昭化嬪), vị ngang Lục khanh (六卿).
  • Ngự viên (御媛), vị ngang Đại phu (大夫). Trong đó có phân biệt Thượng viên (上媛), Trung viên (中媛) và Hạ viên (下媛).
  • Ngự uyển (御婉), vị ngang Sĩ (士). Trong đó có phân biệt Thượng uyển (上婉), Trung uyển (中婉) và Hạ uyển (下婉).

Tuyên Đế nhượng vị cho Tĩnh Đế, phá bỏ quy tắc chính thứ, cùng lúc lập Hoàng hậu gồm 5 người là:

  1. Chính phi Dương Lệ Hoa, phong hiệu Thiên Nguyên Đại Hoàng hậu (天元大皇后).
  2. Tĩnh Đế sinh mẫu Chu Mãn Nguyệt, phong hiệu Thiên Đại Hoàng hậu (天大皇后).
  3. Đức phi Trần Nguyệt Nghi, phong hiệu Thiên Trung Đại Hoàng hậu (天中大皇后).
  4. Trưởng Quý phi Uất Trì Sí Phồn, phong hiệu Thiên Tả Đại Hoàng hậu (天左大皇后).
  5. Quý phi Nguyên Lạc Thượng, phong hiệu Thiên Hữu Đại Hoàng hậu (天右大皇后).

Lưu Tống

Ban đầu, hậu cung Lưu Tống mô phỏng theo nhà Tấn, dưới Hoàng hậu được thiết lập:

  • Tam phu nhân (三夫人): Quý tần (貴嬪), Phu nhân (夫人), Quý nhân (貴人), vị ngang Tam công (三公).
  • Cửu tần (九嬪): Thục phi (淑妃), Thục viên (淑媛), Thục nghi (淑儀), Tu hoa (修華), Tu dung (修容), Tu nghi (修儀), Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Sung hoa (充華); vị ngang Cửu khanh (九卿).
  • Tán hiệu (散號): Mỹ nhân (美人).

Năm Hiến Kiến thứ 3 (456), Hiếu Vũ Đế cải tổ tại hậu cung quy chế, đến Minh Đế hoàn thiện:

  • Tam phu nhân (三夫人): Quý phi (貴妃), Quý tần (貴嬪), Quý cơ (貴姬).
  • Cửu tần (九嬪): Thục viên (淑媛), Thục nghi (淑儀), Thục dung (淑容), Chiêu hoa (昭華), Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Tu hoa (修華), Tu nghi (修儀), Tu dung (修容).
  • Ngũ chức (五職): Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Sung hoa (充華), Thừa huy (承徽), Liệt vinh (列榮).
  • Tán hiệu (散號): Mỹ nhân (美人), Trung tài nhân (中才人), Tài nhân (才人), Lương nhân (良人), Sung y (充衣).

Nam Tề

Năm Kiến Nguyên nguyên niên (479), Cao Đế thiết lập hậu cung vị phân, bao gồm:

  • Tam phu nhân (三夫人): Quý tần (貴嬪), Phu nhân (夫人), Quý nhân (貴人).
  • Cửu tần (九嬪): Tu hoa (修華), Tu nghi (修儀), Tu dung (修容), Thục phi (淑妃), Thục viên (淑媛), Thục nghi (淑儀), Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Sung hoa (充華).
  • Tán vị (散位): Mỹ nhân (美人), Trung tài nhân (中才人), Tài nhân (才人).

Năm Kiến Nguyên thứ 3, Nội cung của Hoàng thái tử thiết lập thêm 3 nội chức:

  • Lương đệ (良娣), vị ngang Khai quốc Hầu (開國侯).
  • Bảo lâm (保林), vị ngang Ngũ đẳng Hầu (五等候).
  • Tài nhân (才人), vị ngang Phò mã Đô úy (駙馬都尉).

Năm Vĩnh Minh nguyên niên, Vũ Đế nghe theo Lễ tư tấu thỉnh, thiết lập vị trí Quý phi (貴妃), cũng đem Thục phi từ Cửu tần ra thành độc lập, tăng thêm đãi ngộ của cả hai tước vị này, ngang với Tam tư (三司). Năm thứ 7, triều đình thêm Chiêu dung (昭容) vào Cửu tần, bổ khuyết vị trí cũ của Thục phi.

Lương - Trần

Vũ Đế khai triều, thiết lập hậu cung vị giai có tương đồng với Lưu Tống:

  • Tam phu nhân (三夫人): Quý phi (貴妃), Quý tần (貴嬪), Quý cơ (貴姬).
  • Cửu tần (九嬪): Thục viên (淑媛), Thục nghi (淑儀), Thục dung (淑容), Chiêu hoa (昭華), Chiêu dung (昭容), Chiêu nghi (昭儀), Tu hoa (修華), Tu nghi (修儀), Tu dung (修容).
  • Ngũ chức (五職): Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Sung hoa (充華), Thừa huy (承徽), Liệt vinh (列榮).
  • Tán vị (散位): Mỹ nhân (美人), Tài nhân (才人), Lương nhân (良人).

Đông Cung của Thái tử, thiết lập Lương đệ (良娣) và Bảo lâm (保林).

Khi triều Trần lập quốc, Vũ Đế không thiết lập hậu cung tỉ mỉ. Đến Văn Đế, bắt đầu định vị hiệu đều tương tự triều Lương.

Tùy - Đường

Tùy

Tùy thư ghi lại, Văn Đế mở nghiệp, phi tần khi ấy chỉ vài người đều thuộc dòng dõi trâm anh, con em các bậc huân thuần cung tiến, nhà vua cũng ít dịp được gần gũi do bà nguyên phối có tính ghen tuông:

  • Tần (嬪), 3 người, giáo hóa bốn mỹ đức là công, dung, ngôn, hạnh, hàm Chính tam phẩm.
  • Thế phụ (世婦), 9 người, coi việc lễ tiết, hàm Chính ngũ phẩm.
  • Ngự nữ (御女), 38 người, coi việc dệt gấm, thêu hoa, hàm Chính thất phẩm.

Bên cạnh đó, Văn Đế lại theo điển lệ từ đời Hán, Tấn mà đặt chức nữ quan gọi là Lục thượng (六尚), cùng Lục ti (六司), chuyên giáo hóa điển phạm trong hậu cung.

Nhân Thọ năm thứ 2 (602), Văn Hiến Hoàng hậu qua đời, nhà vua sa vào mỹ sắc, từ cung cấm chọn ra những bậc tài sắc ban phong các chức phi tần:

  • Quý nhân (貴人), 3 người.
  • Tần (嬪), 9 người.
  • Thế phụ (世婦), 27 người.
  • Ngự nữ (御女), 81 người.

Dạng Đế hoang dâm, mệnh thiên hạ phải cung tiến người đẹp để thỏa thú vui vầy, trở thành khuôn thước cho tam cung lục viện của các bậc đế vương sau này:

  • Quý phi (貴妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), hợp gọi là Phu nhân (夫人), hàm Chính nhất phẩm.
  • Thuận nghi (順儀), Thuận dung (順容), Thuận hoa (順華), Tu nghi (修儀), Tu dung (修容), Tu hoa (修華), Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung hoa (充華), hợp gọi là Cửu tần (九嬪), hàm Chính nhị phẩm.
  • Tiệp dư (婕妤), 10 người, hàm Chính tam phẩm.
  • Mỹ nhân (美人), Tài nhân (才人), hợp gọi là Thế phụ (世婦), 15 người, hàm Chính tứ phẩm.
  • Bảo lâm (寶林), 24 người, hàm Chính ngũ phẩm.
  • Ngự nữ (御女), 24 người, hàm Chính lục phẩm.
  • Thái nữ (采女), 37 người, hàm Chính thất phẩm.
  • Thừa y (承衣), Đao nhân (刀人), không hạn định.

Đường

Sách Đường thư ghi lại, Cao Tổ mở nghiệp, nội cung noi theo Chu lễ và nhà Tùy khi trước, phân chia thứ bậc:

  • Quý phi (貴妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), Hiền phi (賢妃), hợp gọi là Phu nhân (夫人), hàm Chính nhất phẩm.
  • Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛), Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛), Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛), hợp gọi là Cửu tần (九嬪), hàm Chính nhị phẩm.
  • Thế phụ (世婦), 27 người:
    • Tiệp dư (婕妤), 9 người, hàm Chính tam phẩm.
    • Mỹ nhân (美人), 9 người, hàm Chính tứ phẩm.
    • Tài nhân (才人), 9 người, hàm Chính ngũ phẩm.
  • Ngự thê (御妻), 81 người:
    • Bảo lâm (寶林), 27 người, hàm Chính lục phẩm.
    • Ngự nữ (御女), 27 người, hàm Chính thất phẩm.
    • Thái nữ (采女), 27 người, hàm Chính bát phẩm.

Cao Tổ truy tặng bà thứ thất quá cố Mạc Lệ Phương làm Quý tần (貴嬪).

Vĩnh Huy năm thứ 6 (655), Cao Tông toan lập người thiếp yêu của Thái TôngVõ Mỵ làm Thần phi (宸妃) nhưng sự không thành. Long Sóc năm thứ 2 (662), Cao Tông quyết định thiết định lại thứ bậc nội cung:

  • Tán đức (贊德), 2 người.
  • Tuyên nghi (宣儀), 4 người.
  • Thừa khuê (承閨), 5 người.
  • Thừa chỉ (承旨), 5 người.
  • Vệ tiên (衛仙), 6 người.
  • Cung phụng (供奉), 8 người.
  • Thị trất (侍櫛), 20 người.

Nhưng quy cách này nhanh chóng sau đó bị bãi bỏ, quay lại như chế độ thời Đường Cao Tổ.

Huyền Tông những năm Khai Nguyên (713-741) đắm chìm vào đám mê vân sắc dục, chuộng thú phong nguyệt nơi ba ngàn giai lệ điểm chuốt sắc hương. Khai Nguyên năm thứ 12 (724), Hoàng đế truất Hoàng hậu Vương thị, ban dụ định lại thứ bậc nội cung:

  • Huệ phi (惠妃), Lệ phi (麗妃), Hoa phi (華妃), xứng trang nghi phạm về ý tiết thuần mỹ, giai hàm nhất phẩm.
  • Thục nghi (淑儀), Đức nghi (德儀), Hiền nghi (賢儀), Thuận nghi (順儀), Uyển nghi (婉儀), Phương nghi (芳儀), giáo hóa bốn mỹ đức là công, dung, ngôn, hạnh, giai hàm nhị phẩm.
  • Mỹ nhân (美人), 4 người, coi việc lễ tiết, giai hàm tam phẩm.
  • Tài nhân (才人), 7 người, hầu thú thanh sắc, yến tẩm của quân vương, giai hàm tứ phẩm.
  • Thượng cung (尚宮), Thượng nghi (尚儀), Thượng phục (尚服), 6 người, giai hàm ngũ phẩm.
  • Tư quan (司官), Điển quan (典官), theo cựu lệ mà xếp đặt giai hàm từ lục phẩm trở xuống.

Thiên Bảo năm thứ 4 (745), Huyền Tông mê đắm người con dâu là trang khuynh quốc Dương Thái Chân, bất chấp đạo luân thường lập bà làm Quý phi. Túc Tông nối ngôi khôi phục chế độ nội cung thuở lập quốc. Thời kỳ cuối, triều Đường bắt đều thiết lập lệ gia tôn cho Nội cung tiền triều. Phi tần sinh hoàng nam tôn Thái phi (太妃), sinh hoàng nữ tôn Thái nghi (太儀).

Tại Đông Cung, chính thất của Hoàng thái tử gọi là Hoàng thái tử phi (皇太子妃), nàng hầu có các bậc:

  • Lương đệ (良娣), 2 người, giai hàm tam phẩm.
  • Lương viên (良媛), 6 người, giai hàm ngũ phẩm.
  • Thừa huy (承徽), 10 người, giai hàm lục phẩm.
  • Chiêu huấn (昭訓), 16 người, giai hàm thất phẩm.
  • Phụng nghi (奉儀), 24 người, giai hàm cửu phẩm.

Các tông thất được phong Vương, thê thiếp đều gia ân cáo mệnh theo tước chồng, các bà Chiêu Thành, Trang Hiến thuở tiềm để đều phong là Nhụ nhân (孺人).

Ngũ đại Thập lục quốc

Thời kỳ hỗn loạn và ngắn ngủi, sách sử của các triều đại cũng do người đời sau soạn mà viết. Chế độ hậu cung của từng triều, từng quốc gia không hoàn chỉnh về đầy đủ như các thời kỳ trước.

Trước mắt, Hậu Đường Trang Tông thiết trí hậu cung[3], có:

  • Chiêu dung (昭容), Chiêu nghi (昭儀), Chiêu viên (昭媛).
  • Xuất sử (出使), Ngự chính (御正), Thị chân (侍真), Ý tài (懿才).
  • Hàm nhất (咸一), Dao phương (瑤芳), Ý đức (懿德), Tuyên nhất (宣一).

Quảng Chính năm thứ 3 (941), Chúa đất Hậu ThụcMạnh Sưởng nhân yến hội tiết Thượng nguyên định lệ thứ bậc cung tần:

  • Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu hoa (昭華).
  • Bảo phương (保芳), Bảo hương (保香), Bảo y (保衣).
  • An thần (安宸), An tất (安蹕), An tình (安情).
  • Tu dung (修容), Tu viên (修媛), Tu quyên (修娟).

Tống - Liêu - Kim

Tống

Chế độ nội cung nhà Tống ban đầu phân chia thứ bậc theo cách gọi của nhà Đường, được hoàn thiện dưới thời Chân Tông:

  • Quý phi (貴妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), Hiền phi (賢妃), hàm Chính nhất phẩm.
  • Thái nghi (太儀), Quý nghi (貴儀), Thục nghi (淑儀), Thục dung (淑容), Thuận nghi (順儀), Thuận dung (順容), Uyển nghi (婉儀), Uyển dung (婉容), hàm Tòng nhất phẩm.
  • Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛), Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛), Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛), hàm Chính nhị phẩm.
  • Tiệp dư (婕妤), hàm Chính tam phẩm.
  • Mỹ nhân (美人), hàm Chính tứ phẩm.
  • Tài nhân (才人), Quý nhân (貴人), hàm Chính ngũ phẩm.

Minh Đạo nguyên niên (1032), sách tặng thân sinh của Nhân Tông là bà họ Lý làm Thần phi (宸妃). Lệ cung nữ thừa hạnh được ban làm Ngự thị (御侍), Tử hà bí (紫霞帔), Hồng hà bí (紅霞帔), lại gia phong thêm vị hiệu của bậc cáo mệnh như Quốc phu nhân (國夫人), Quận quân (郡君), Huyện quân (縣君).

Liêu

Do vấn đề về tư liệu, hậu cung nhà Liêu cho đến nay vẫn khá khiếm khuyết tư liệu. Bộ Liêu sử, mục "Hậu phi truyện" ghi lại chỉ có hậu phi mang họ Tiêu, trừ Hoàng hậu Tiêu thị của Mục Tông không rõ xuất thân, cùng Hoàng hậu Chân thị của Thế Tông, toàn bộ còn lại đều là người họ Liêu thuộc gia tộc Khiết Đan. Trong gia tộc họ Tiêu, cũng phân ra hai nhánh chính, là họ Tiêu của Thuật Luật thị (述律氏) cùng họ Tiêu của Bạt Lý thị (拔里氏), hai gia tộc lớn có ảnh hưởng đến chính trị nước Liêu.

Trong Liêu sử cũng cho biết, phi tần hậu cung triều Liêu có bộ phận từ Vương quốc Bột Hảingười Hán, phi hiệu cũng ghi lại có năm loại: Nguyên phi (元妃), Quý phi (貴妃), Đức phi (德妃), Huệ phi (惠妃), Văn phi (文妃). Còn bên dưới Phi, chỉ biết triều Thánh Tông có Lục nghi (六儀), gồm: Lệ nghi (麗儀), Thục nghi (淑儀), Chiêu nghi (昭儀), Thuận nghi (順儀), Phương nghi (芳儀), Hòa nghi (和儀).

Kim

Chế độ nội cung nhà Kim ban đầu phân chia thứ bậc theo cách gọi của nhà Đường. Thời kỳ quốc sơ, các Phi không có vị hiệu, đến Kim Hi Tông mới đặt Quý phi (貴妃), Hiền phi (賢妃) và Đức phi (德妃)[4].

Hải Lăng Vương dâm loạn, đặt 12 mỹ hiệu cho các phi tử nơi cung cấm là Nguyên phi (元妃), Xu phi (姝妃), Huệ phi (惠妃), Quý phi (貴妃), Hiền phi (賢妃), Thần phi (宸妃), Lệ phi (麗妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), Chiêu phi (昭妃), Ôn phi (溫妃), Nhu phi (柔妃).

Cuối cùng, quy chế hậu cung thời Kim được hoàn thiện vào niên hiệu Trinh Hựu dưới thời Tuyên Tông[5]. Những giai bậc gồm:

  • Nguyên phi (元妃), Quý phi (貴妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), Hiền phi (賢妃); hàm Chính nhất phẩm.
  • Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛), Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛), Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛); hợp gọi Cửu tần (九嬪), hàm Chính nhị phẩm.
  • Thế phụ (世婦), 27 người:
    • Tiệp dư (婕妤); 9 người, hàm Chính tam phẩm.
    • Mỹ nhân (美人); 9 người, hàm Chính tứ phẩm.
    • Tài nhân (才人); 9 người, hàm Chính ngũ phẩm.
  • Ngự thê (御妻), 81 người:
    • Bảo lâm (寶林); 27 người, hàm Chính lục phẩm.
    • Ngự nữ (御女); 27 người, hàm Chính thất phẩm.
    • Thải nữ (采女); 27 người, hàm Chính bát phẩm.

Sau, Tuyên Tông lại cải đổi tiếp, quy định lại cấp bậc như:

  • Quý phi (貴妃), Chân phi (真妃), Thục phi (淑妃), Lệ phi (麗妃), Nhu phi (柔妃).
  • Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛), Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛), Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛).
  • Tiệp dư (婕妤).
  • Lệ nhân (麗人), Tài nhân (才人).
  • Thuận nghi (順儀), Thục hoa (淑華), Thục nghi (淑儀).

Nguyên

Hậu cung nhà Nguyên có sự tinh giản rất lớn nếu so với các triều khác. Ngoài Hoàng hậu, chỉ còn PhiTần; mỗi bậc không quy định số lượng và giới hạn.

Hậu cung triều Nguyên lấy [Oát Nhĩ Đóa; 斡耳朵; Orda], còn gọi Cung trướng (宮帳) để phân chia địa vị hậu phi. Một tòa Cung trướng có tới mấy vị Hoàng hậu và Phi, Tần; và họ lấy Đệ nhất Cung trướng làm vị trí độc tôn, những Hoàng hậu và Phi tần ở trong Đệ nhất Cung trướng cũng sẽ là bậc có địa vị cao nhất. Triều Huệ Tông, hậu cung thiết trí thêm tước vị Tài nhân (才人).

Cũng trong thời kỳ cuối triều Nguyên, Hoàng hậu cật lực được duy trì chỉ có một người tại vị. Nhưng cơ bản từ thời quốc sơ đã thiết lập luật bất thành văn, rành chỉ có Trung cung Hoàng hậu mới có sắc bảo, còn các Hoàng hậu khác thì không, ví dụ như Sát Tất Hoàng hậu.

Minh

Thái Tổ năm Hồng Vũ thứ 5 (1372) ban chỉ dụ định thứ bậc nội cung. Bậc phi lấy Quý phi kế dưới Hoàng hậu có danh phận cao nhất, lại đặt Hiền phi (賢妃), Thục phi (淑妃), Trang phi (莊妃), Kính phi (敬妃), Huệ phi (惠妃), Thuận phi (順妃), Khang phi (康妃), Ninh phi (寧妃) lấy các mỹ từ "Hiền", "Thục", "Trang", "Kính"... làm tên hiệu mà phân biệt ngôi thứ. Dưới hàng phi là các cung tần Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Tiệp dư (婕妤), Quý nhân (貴人), Mỹ nhân (美人).

Cảnh Thái năm thứ 6 (1456), Đại Tông lập bà phi họ Đường làm Hoàng quý phi, Anh Tông phục vị lại phế đi. Hiến Tông năm Thành Hóa thứ 2 (1466) ngự ban cho Vạn Quý phi huy hiệu "Hoàng", gọi là Hoàng quý phi (皇貴妃), từ đó lấy Hoàng quý phi là danh phận phi tần cao nhất.

Thời Minh, địa vị Hoàng hậu suy thoái, cũng do ảnh hưởng bởi việc ngăn ngừa và đề phòng ngay từ đầu mà chưa từng thấy việc Hoàng hậu hoặc Hoàng thái hậu nhiếp chính hoặc ngoại thích chuyên quyền. Bên cạnh đó, phi tần cũng có nhiều người được sủng hạnh, dựa vào uy thế mà có thể lấn át Hoàng hậu. Có những phi tần thay quyền Hoàng hậu xử lý hậu cung sau khi Hoàng hậu qua đời, tắc gọi ["Nhiếp lục cung sự"; 摄六宫事]. Bên cạnh đó, số lượng tùy từng tước đều do Hoàng đế tự quy định, hoàn toàn không có giới hạn bao nhiêu Hoàng quý phi hay là Phi, vì lý do đó hậu cung triều Minh bị xem là cực kỳ hỗn loạn về danh phận.

Gia Tĩnh năm thứ 10 (1531), Thế Tông dựa theo Chu lễ đặt thêm Cửu tần, gồm: Đức tần (德嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪), Lệ tần (麗嬪), Huệ tần (惠嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪), Hy tần (僖嬪), Khang tần (康嬪), danh phận dưới phi. Lúc này, mô hình của hậu cung triều Minh dưới Hoàng hậu sẽ là:

  • Hoàng quý phi (皇貴妃);
  • Quý phi (貴妃);
  • Phi (妃);
  • Tần (嬪); căn cứ Năm Gia Tĩnh thứ 10, định ra Cửu tần: Đức tần (德嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪), Lệ tần (麗嬪), Huệ tần (惠嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪), Hy tần (僖嬪), Khang tần (康嬪);
  • Chiêu nghi (昭儀);
  • Chiêu dung (昭容);
  • Tiệp dư (婕妤);
  • Quý nhân (貴人);
  • Mỹ nhân (美人);

Dẫu Cửu tần triều Gia Tĩnh là có tên như vậy, song về sau có rất nhiều tước Tần đều nằm có phong hiệu khác, như Ninh tần (寧嬪), Vinh tần (榮嬪), Kính tần (敬嫔)..., xem ra phong hiệu này cũng không cố định tương tự Phi ở trên. Ngoài ra, cũng có rất nhiều Cung nữ trong hậu cung, từng được Hoàng đế sủng hạnh qua nhưng chưa bao giờ được xem là phi tần chính thức. Họ sẽ có hai loại đãi ngộ chính, một là đem trở thành phi thiếp chính thức và đạt được đãi ngộ nhất định, như Hồ Thị ngự (胡侍御) của Thần Tông, còn không thì chỉ được xem là Cung nhân bình thường, không danh không phận mà vẫn phải làm việc của Cung nữ, như Đới Ngân Nương (戴銀娘) của Hiến Tông cùng Vương Mãng Đường (王满堂) của Vũ Tông.

Vợ chính của Hoàng thái tử gọi là Hoàng thái tử phi (皇太子妃), nàng hầu có các bậc Tài nhân (才人), Tuyển thị (選侍) và Thục nữ (淑女).

Thanh

Xem thêm thông tin: Hậu cung nhà Thanh

Lúc đầu triều, nhà Thanh chưa định chế độ nội cung. Theo lệ cũ từ thời Hậu Kim, phi tần vẫn dùng cách gọi tiếng Mãn mà xưng hiệu Phúc tấnCách cách, riêng các chính thê được đặc biệt gọi là Đại phúc tấn (大福晉). Hoàng Thái Cực năm Sùng Đức nguyên niên (1636), lập Đại phúc tấn Triết Triết làm Thanh Ninh cung Hoàng hậu (清寧宮皇后), đồng thời tấn phong bốn vị Trắc phúc tấn làm Phi, lần lượt là: Hải Lan Châu làm Quan Thư cung Thần phi (關雎宮宸妃), Na Mộc Chung làm Lân Chỉ cung Quý phi (麟趾宮貴妃), Ba Đặc Mã Tảo làm Diễn Khánh cung Thục phi (衍慶宮淑妃) và Bố Mộc Bố Thái làm Vĩnh Phúc cung Trang phi (永福宮莊妃).

Từ triều Thuận Trị đến giữa Khang Hy, cung đình triều Thanh dùng "đãi ngộ" dựa theo cấp, hơn là định vị hiệu. Theo đó, ngoại trừ Hoàng hậu là luôn cố định chính danh, thì các cấp đãi ngộ của phi tần có:

  • Hoàng quý phi (皇貴妃), chỉ dành cho Đổng Ngạc phi.
  • Phi (妃), không định số.
  • Tần (嬪), không định số.
  • Phúc tấn (福晉), cấp đãi ngộ cơ bản.
  • Tiểu Phúc tấn (小福晉), bên trong lại có thêm 2 cấp.
  • Cách cách (格格), cấp đãi ngộ thấp nhất.

Thời kỳ này chỉ dùng "đãi ngộ" để quyết định cao thấp, do đó hầu như rất ít người có vị hiệu chính thức. Hiếu Khang Chương Hoàng hậu, sinh mẫu của Thánh Tổ được xác định có cấp đãi ngộ Phúc tấn khi còn là phi tần. Dưới hình thức này, nhiều hậu phi mãi khi qua đời mới có vị hiệu, dù thực tế khi còn sống thì họ đã có đãi ngộ cao, như Tuệ phiBình phi của Thánh Tổ.

Theo Thanh sử cảoQuốc triều cung sử, sau đời Khang Hy thì chế độ nội cung mới được hoàn chỉnh:

  • Hoàng quý phi (皇貴妃), 1 người.
  • Quý phi (貴妃), 2 người.
  • Phi (妃), 4 người.
  • Tần (嬪), 6 người.
  • Quý nhân (貴人), không hạn định.
  • Thường tại (常在), không hạn định.
  • Đáp ứng (答應), không hạn định.

Dưới hàng phi tần còn có Quan nữ tử (官女子), còn gọi Cung nữ tử, là các cung nữ được Hoàng đế lâm hạnh hoặc danh vị để gọi các phi tần bị giáng chức (như Mân Quý phi Từ Giai thị của Hàm Phong Đế). Ngoài ra, các Thị tỳ được lâm hạnh và sinh dục của các Hoàng tử cũng được gọi chung là Quan nữ tử, bên cạnh danh xưng thường thấy là Cách cách. Chiểu theo lệ định đương thời, trước đại hôn tuyển chọn 8 cung nữ có nhan sắc cùng phẩm hạnh tham dạy các bí thuật phòng the, gọi là Tư trướng (司帳), Tư tẩm (司寝), Tư nghi (司儀), Tư môn (司門).

Từ Hoàng quý phi đến Tần khi được sách phong đều có lễ nghi tiêu chuẩn, được hoàng thất xem là hậu phi chính thức cùng với quyền hạn ["Tá nội trị"], giúp Hoàng hậu trong việc xứ lý nội trị, dù thực tế họ không có quyền hành gì cụ thể mà chỉ là danh xưng hình thức. Còn từ bậc Quý nhân đến Đáp ứng không hạn định, quy định để tu tâm dưỡng tính, cần tu nội chức, riêng Quan nữ tử chỉ những cung nữ được sủng hạnh. Phi tần được tuyển chọn từ những Tú nữ (秀女) tham gia tuyển tú hoặc con gái các dòng dõi công thần.

Thứ bậc giữa họ còn được phân định một cách không chính thức theo thánh sủng, và họ được chọn vào cung thông qua những cuộc tuyến chọn được gọi là Bát Kỳ tuyển tú, mà theo đó thì mọi cô gái thời Thanh đều phải tham gia theo thứ tự là Mãn quân kỳ, Mông quân kỳ và Hán quân kỳ.